London Marathon 2015: Quần hùng tụ hội

Giải marathon London năm 2015 sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật, 26.4.2015. Hãy cùng chay365.com điểm qua những cái tên đáng chú ý. Bài lược dịch và tổng hợp từ runnersworld.com và BBC Sport.

marathon-winner_2880880k

London Marathon 2015: Quần hùng tụ hội

Boston có thể là giải marathon lâu đời nhất thế giới, Berlin là giải marathon nhanh nhất – nơi sản sinh ra các kỉ lục, New York City là giải marathon có quy mô lớn nhất, với hơn 50000 vận động viên tham gia; nhưng London mới là giải marathon có độ cạnh tranh khắc nghiệt nhất hiện nay.

London marathon 2015 sẽ chứng kiến sự hội ngộ của ba người chạy marathon nhanh nhất mọi thời đại. Đương kim kỉ lục thế giới (KLTG) sẽ tranh tài cùng những người tiền nhiệm. Đây cũng là cuộc đua của 5 người đàn ông nhanh nhất trong năm 2014, cuộc đụng độ giữa các nhà vô địch ở Berlin, London, New York City, và Chicago. Chúng ta liệu có thể mong đợi gì hơn thế? A clash of titans!

Kipsang hay Kimetto?

Wilson Kipsang đã đạt được mọi thứ, và nhờ đó đang là vận động viên marathon số 1 thế giới. Sau khi bị Patrick Makau phá KLTG năm 2011, anh đã giành lại nó vào năm 2013, với thành tích 2:03:23 tại Berlin. Anh đã chiến thắng ở London năm 2012, Berlin năm 2013, lại là London năm 2014, và New York City 2014. Anh phát ngôn rành mạch và thi đấu quyết liệt, chứng tỏ được năng lực trong những giải đấu có người dẫn tốc như Berlin (nơi VĐV chỉ cần chạy nhanh nhất có thể) lẫn những giải đấu đòi hỏi tính chiến thuật cao như ở New York.

Một ngày, Kipsang và đồng đội, người nắm giữ KLTG trước anh, Geoffrey Mutai, gặp một chàng trai có tiềm năng và mời anh ta cùng tập luyện. Đó là Dennis Kimetto, một nông dân trẻ ở Kenya muốn chạy bộ để thoát khỏi đói nghèo. Ban đầu, Kimetoo thú nhận rằng tập luyện cùng Wilson và Geoffrey là “đau đớn”, nhưng đã giúp anh tiến bộ. 4 năm sau, Kimetto phá sâu KLTG của Kipsang đến 26 giây và trở thành người đầu tiên chạy marathon dưới 2 giờ 3 phút, với thành tích 2:02:57 tại Berlin.

Kipsang và Kimetto chưa bao giờ trực tiếp đối đầu trong một giải marathon. Cuộc đua lần này sẽ hết sức thú vị, bởi Kimetoo là đương kim KLTG, còn Kipsang là đương kim vô địch ở London, người cũng đang nắm kỉ lục ở giải đấu này, 2:04:29 (xem thêm bảng ở cuối bài).

_82547069_elite_men_getty

Mutai hay Mutai?

Nhưng London marathon 2015 sẽ không chỉ là cuộc đua hai ngựa. Geoffrey Mutai, quán quân Boston năm 2011 (2:03:02), và hai lần chiến thắng ở New York, có thể đang sa sút đôi chút. Còn Emmanuel Mutai (hai người không có quan hệ họ hàng), bắt đầu tham gia cuộc chơi từ năm 2007, từng thắng ở London năm 2011 và về nhì ở London, New York City, Chicago; vẫn cho thấy anh chưa phải là một ngôi sao hết thời. Tại Berlin năm ngoái, anh theo sát Kimetto với thành tích 2:03:13, nghĩa là vượt Kipsang để trở thành người chạy marathon nhanh thứ hai trong lịch sử.

Stanley hay Sammy?

Stanley Biwott là một nhân tố đáng chú ý trong hai giải London marathon gần nhất. Năm 2013, anh dẫn đầu nửa chặng đường, sau đó sa sút và chỉ về đích hạng 8. Năm 2014, anh nằm trong nhóm dẫn đầu lâu hơn, gây ngạc nhiên khi về thứ hai, sau Kipsang, với kỉ lục cá nhân là 2:04:51. Tóm lại, anh chạy nhanh hơn 2 giờ 5 phút, và vẫn còn là một ẩn số chưa được nhiều người biết đến.

Còn Sammy Kitwara, chạy nhanh thứ 11 trong lịch sử, với PR 2:04:28? Để so sánh, Lelisa Desisa đến từ Ethiopia, vừa chiến thắng rất ấn tượng ở Boston tuần trước, vẫn đứng sau Kitwara trên “bảng phong thần”, PR chỉ có 2:04:45. Đây sẽ là giải London marathon đầu tiên của Kitwara, nhưng anh đã về đích hạng tư, hạng ba, và hạng nhì ở Chicago, cũng như hạng ba ở Tokyo. Sẽ đáng để theo dõi anh thi đấu.

Những cái tên khác

Ngoài ra, có thể kể đến Eliud Kipchoge, 19 tuổi (2003) đã giành chức vô địch thế giới cự ly 5000m, với bảng thành tích đầy huy chương Olympic. Ở tuổi 30, anh bắt đầu tập chạy marathon. Kipchoge đã tham gia 4 giải, vị trí thấp nhất là … hạng nhì, tại Berlin 2013, sau Kipsang. Ba chiến thắng khác của anh là ở Hamburg năm 2013 (2:05:30), Rotterdam 2014 (2:05:00), và Chicago 2014 (2:04:11). Hiển nhiên, anh biết đua marathon.

Có VĐV ngoài Châu Phi nào ngấp nghé tranh giải không? Câu trả lời có lẽ là không. Đại diện ưu tú nhất của Anh quốc ở cự ly chạy đường trường là Mo Farah, người vừa phá kỉ lục Châu Âu ở cự ly bán marathon, ở London 2014 chỉ về hạng 8 một cách đầy thất vọng, còn năm nay quyết định không tranh tài. May ra thì còn Michael Shelly đến từ Úc – tháng 8 năm ngoái đã trở thành VĐV ngoài Châu Phi đầu tiên kể từ năm 1994 thắng giải marathon khối Thịnh vượng chung. Thời tiết ở Glassgow (năm ngoái) có thể đã giúp anh, nhưng năm trước đó nữa, ở New Delhi, anh cũng thi đấu không tồi, giành huy chương bạc. Thành tích tốt nhất của anh là 2:11:15, anh từng về hạng 10 ở London năm 2011.

Những tên tuổi ở giải nữ

Giải nữ cũng ngập tràn các tên tuổi lớn. Edna Kiplagat sẽ bảo vệ chức vô địch, sau khi từng về nhì 2 năm liên tiếp (2012 và 2013). Đối thủ của cô là Priscah Jeptoo, quán quân 2013 – khi áp đảo hoàn toàn trong những km cuối cùng, và Mary Keitany, quán quân năm 2011 và 2012, với thành tích vô cùng ấn tượng là 2:19:19 và 2:18:37.

londonwomen500

Nhớ là Priscah Jeptoo chẳng có bà con gì với Rita Jeptoo, vô địch Boston 3 lần, nhưng vừa bị cấm thi đấu vì dùng doping. Còn Edna Kiplagat cũng không có quan hệ họ hàng với Florence Kiplagat, một elite khác, đương kim KLTG cự ly bán marathon (65 phút 09). Các chuyên gia đã ngoại suy thành tích của Florence sang cự ly marathon, và thấy nó rất sát với KLTG hiện tại của Paula Radcliffe (2:15:25). Khi được hỏi về triển vọng lập KLTG, Florence chỉ cười. Năm ngoái cô về nhì (sau Edna), “Các đối thủ đều rất mạnh, và tôi sẵn sàng cho mọi điều có thể xảy ra”. Florence không xa lạ với các danh hiệu, cô thắng ở Berlin năm 2011 (lần đầu tiên chạy ở đây), và vô địch thêm lần nữa vào năm 2013. Tháng 10 năm ngoái, cô về hạng ba ở Chicago.

Kẻ phá đám những VĐV Kenya có thể là Aselefech Mergia, đến từ Ethiopia, vô địch Dubai marathon 3 lần, với thành tích tốt nhất 2:19:31, nhanh thứ 7 trong lịch sử. Cô cũng một lần về nhì ở London (năm 2010). Điểm yếu của Mergia là thi đấu không tốt dưới trời mưa. Cô từng phải bỏ cuộc (DNF) một lần năm 2011 ở London. Điểm yếu này có thể sẽ khiến cô phải trả giá trong cuộc đua Chủ nhật tới đây.

Paula Radcliffe

Cuối cùng, không thể không nhắc đến VĐV nước chủ nhà, Paula Radcliffe. Người đang nắm giữ KLTG cự ly marathon của nữ sẽ lần cuối cùng chạy ở London – giải đấu đã đưa cô trở thành huyền thoại. Radcliffe từng vô địch London 3 lần, vào các năm 2002 (2:18:56), 2003 (2:15:25, KLTG), và 2005 (2:17:42, nhanh thứ hai trong lịch sử). Cô cũng 3 lần vô địch New York và 1 lần vô địch Chicago. KLTG mà Radcliffe lập ở London vẫn đứng vững sau 12 năm, nhanh hơn 3 phút so với bất cứ ai khác. Đường chạy marathon nữ sắp nói lời tạm biệt với một tên tuổi vĩ đại – có lẽ là vĩ đại nhất. Chấn thương gân Asin cùng phẫu thuật xương cẳng chân từng khiến cô bị lỡ Olympic 2012 tại chính London, thành phố mà cô yêu mến, nhưng cô đã hồi phục rất tốt. Năm nay 41 tuổi, Radcliffe sẽ không xuất phát cùng nhóm elite, mà chạy cùng câu lạc bộ chạy của mình, và trên thực tế khó có khả năng dành vị trí cao. Nhưng đám đông sẽ chẳng hề quan tâm đến điều đó. Họ sẽ vẫy chào cô bởi sự hiện diện của cô trong hơn một thập kỷ qua đã làm thay đổi lịch sử marathon.

_82550108_slice_1

About the Author Mr Marathoner

  • […] giải London marathon vừa rồi, anh David Seath, một sỹ quan quân đội, đã gục xuống khi còn cách […]

  • […] Xem thêm: London Marathon 2015 – Quần hùng tụ hội  […]

  • >
    0 Shares